06 Tháng Năm 2024
Giới thiệu về phường 14 quận 10

1. Vị trí địa lý

Phường 14 là trung tâm hành chính của Quận 10, phía Đông giáp ngã tư đường Thành Thái(1) và Ba Tháng Hai(2); phía Đông Nam giáp các phường 6, 7, 8 Quận 10 giới hạn bởi đường Ba Tháng Hai; phía Tây Nam giáp đường Lý Thường Kiệt(3), Phường 15 Quận 11 và Phường 6 Quận Tân Bình; phía Tây Bắc giáp Phường 15 Quận 10 giới hạn bởi đường Bắc Hải nối dài(4); phía Bắc giáp Phường 12 Quận 10 giới hạn bởi đường Thành Thái, Quận 10.

Nhìn trên bản đồ, Phường 14 có dạng hình thang, diện tích 126,73 hecta, chiếm 22,16% diện tích tự nhiên của Quận, là một trong những phường lớn nhất của Quận 10.

* Địa hình địa chất

Phường có địa hình tương đối bằng phẳng, không có kênh rạch chia cắt; có cấu tạo địa chất phổ biến chung là đất sét pha cát, được bồi đắp bởi dòng phù sa của các con sông rạch cách đây hàng nghìn năm, qua thời gian biến đổi, từ một vùng đất ao đầm, sình lầy hoang hóa, được bồi đắp bằng phẳng, trồng rừng cao su, sau đó xây dựng các trại chăn nuôi, rồi trại lính, trại gia binh, theo quá trình phát triển chung đến nay Phường đã có cảnh quan hiện đại, cư dân đông đúc, nhà cửa khang trang.

2. Diện tích tự nhiên

Phường có diện tích tự nhiên là 126,73 hecta, trong đó hầu hết là đất phi nông nghiệp, gồm: Đất ở: 38,37 hecta, đất chuyên dụng: 88,2 hecta, (trong đó đất cơ quan: 1,76 hecta, đất quốc phòng: 8,36 hecta, đất an ninh: 2,13 hecta, đất đơn vị chính trị sự nghiệp: 21,69 hecta, đất sản xuất kinh doanh: 29,62 hecta, đất công cộng: 24,68 hecta, đất cơ sở tôn giáo: 0,15 hecta, đất cơ sở tín ngưỡng: 0,01 hecta).

3. Giao thông, cơ sở vật chất

Phường 14 là một Phường nội thành thành phố Hồ Chí Minh, đã được đô thị hóa từ lâu. Phường có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, gồm các tuyến đường Ba Tháng Hai, Thành Thái, Bắc Hải, Lý Thường Kiệt bao quanh và đường Tô Hiến Thành([5]) xuyên giữa, chia Phường 14 thành hai khu vực:  khu phía Đông đường Tô Hiến Thành là các Khu phố 1 đến Khu phố 11 và khu phía Bắc đường Tô Hiến Thành là Khu phố 12. Các đường, các hẻm ở trong Phường đều được tráng bê tông và xi măng khang trang.

Những tuyến đường trên đều là những tuyến đường rất quan trọng của Phường, của Quận 10 và của Thành phố. Trong đó, quan trọng nhất là đường Ba Tháng Hai, cửa ngõ đi về miền Tây, miền Đông. Các đường Lý Thường Kiệt, Thành Thái, Tô Hiến Thành đi về các trung tâm kinh tế, xã hội quan trọng của Thành phố như: Quận 3, Quận 11, Quận Tân Bình, Đại học Bách khoa, bệnh viện Trưng Vương...

Đặc biệt, Phường 14 là địa bàn được Quận chọn đặt Trung tâm hành chính của Quận gồm : các cơ quan lãnh đạo của Quận ủy, Ủy ban Nhân dân Quận 10, các đơn vị ngành Nội chính của Quận như : Công an, Tòa án, Viện kiểm sát Nhân dân; có giao lộ nhộn nhịp Ba tháng Hai - Thành Thái và có nhiều cơ quan đơn vị của Thành phố .

4. Lược sử hình thành Phường 14, Quận 10

Theo sử liệu thì vùng đất Phường 14 ngày nay thuộc xã Chí Hòa, tỉnh Gia Định, giáp ranh Sài Gòn - Chợ Lớn - Tổng Dương Hòa Thượng. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lập thôn Hòa Hưng thuộc  xã Chí Hòa. Năm 1815, Thống chế Nguyễn Văn Học có ghi bản đồ khu Hòa Hưng xưa rất rộng, kéo dài từ khu Kỳ Hòa hiện nay đến đài phát tín Phú Thọ, trong đó có gò Bầu Tròn trong  khu vực quanh Đình Hòa Hưng (bầu tròn là khu bầu nước Kỳ Hòa ngày nay). Năm 1853, Vua có sắc phong cho Đình Hòa Hưng, quanh khu Đình xưa có dân cư sinh sống nhưng còn thưa thớt, cả khu Phường 14 xưa nằm trong vùng Chợ Lớn là khu đồng trống hoang vu, sình lầy, mồ mả, dần dần có nhiều  cư dân về sinh sống.

Ngày 6 tháng 6 năm 1865, Pháp quyết định thành lập thành phố Chợ Lớn tách khỏi Sài Gòn. Năm 1940 phát xít Nhật về bồi lấp các đầm lầy làm khu hậu cần và nhà thương quân đội. Đến năm 1942, Toàn quyền Đông Dương chia Sài Gòn - Chợ Lớn thành 18 Hộ, Phường 14 Quận 10 thuộc khu vực Hộ 6 Chợ Lớn. Đến đầu năm 1952,  sắc lệnh số 104 –NV thay đổi 18 Hộ thành 7 Quận, tên các Quận được đặt theo số thứ tự từ 1 đến 7, vùng đất Phường 14 Quận 10 ngày nay thuộc một phần của Quận 4 lúc ấy.  Ngày 1 tháng 7 năm 1969, chính quyền Saigon ký sắc lệnh 073-SL/NV thành lập thêm 2 Quận mới là Quận 10 và Quận 11. Theo sắc lệnh nầy, các Phường Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương, Nhật Tảo của Quận 5 hợp với Phường Phan Thanh Giản, Phường Chí Hòa của Quận 3 thành lập nên Quận 10. Phường 14 thuộc Phường Nguyễn Tri Phương. 

Từ 1969 đến tháng 6 năm 1976, Quận 10 có 5 Phường: gồm Phường Nguyễn Tri Phương, Phường Minh Mạng, Phường Nhật Tảo, Phường Phan Thanh Giản và Phường Chí Hòa. Riêng Phường Nguyễn Tri Phương có 5 Khóm: 5, 6, 7, 8, 11. Sau tháng 6 năm 1976, Quận chỉ đạo đổi các Khóm trên thành Phường, gồm: Phường 5, Phường 6, Phường 7, Phường 8 và khóm 11 thành Phường 20 trong 25 Phường. Từ 1976 đến năm 1979, quận 10 chia thành 24 Phường. Từ 1979 đến 1981, sát nhập còn 21 Phường. Từ năm 1982, Quận 10 tổ chức lại còn 18 Phường rồi 25 Phường.

Đến ngày 14 tháng 2 năm 1987, Quận tổ chức lại thành 15 Phường và Phường 20 trước đây được đổi thành đơn vị hành chính Phường 14 hiện diện cho đến ngày nay.

5. Hệ thống chính trị của Phường

Về tổ chức Đảng

Ngày 31/05/1976 Quận ủy Quận 10 ra Quyết định số 55/QĐ giải thể Chi bộ lâm thời Phường Nguyễn Tri Phương, và thành lập 5 chi bộ mới phù hợp với việc lập mới 5 Phường – trong đó có Chi bộ Phường 20 (nay là Phường 14). Trải qua hơn 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng – Mặt trận – Đoàn thể kể từ sau năm 1975 đến năm 2019 là giai đoạn lịch sử kiên cường của Quân và Dân Phường 14 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Phường và Quận.

Thành quả cải tạo và xây dựng một vùng đất hầu hết là trại lính, trại gia binh của chế độ cũ Sài Gòn có cơ sở hạ tầng vừa thiếu - vừa yếu. Dưới chế độ mới Xã hội Chủ nghĩa, vùng đất Phường 14 đã thay da đổi thịt, đường sá cống rãnh được đầu tư đổi mới. Vị thế Phường 14 nay đã là Trung tâm hành chính và Khối Nội chính của Quận, là trung tâm kinh tế đồng thời là trọng điểm y tế - giáo dục (có các bệnh viện lớn của Thành phố và có đầy đủ các trường từng khối cấp từ Mầm non đến Đại học). Phường 14 trở thành vùng có kinh tế – xã hội phát triển, năng động, sầm uất, khang trang hiện đại và người dân trong Phường có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là bước nhảy vọt thần kỳ mà chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đủ tư cách – bản lĩnh – năng lực để chuyển hóa địa bàn đặc biệt phức tạp như Phường 14, Quận 10.

Qua quá trình hoạt động từ Chi bộ ban đầ̀u với 5 đảng viên sau ngày Giải phóng, đến nay BCH Đảng bộ Phường 14 có 11 đồng chí đảng ủy viên, tổng số đảng viên là 1036 đồng chí, với 02 Đảng bộ bộ phận (mỗi Đảng bộ có 03 Chi bộ trực thuộc), và 21 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy Phường gồm chi bộ Khu phố 1, 2, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7, 8, 11, 12, Cơ quan, Quân sự Phường 14, Công an Phường 14, Trường Nguyễn Văn Tố, Trường Lê Đình Chinh, Trường Võ Trường Toản, Trường Mầm non Phường 14, Trường Mầm non 2/9, Chi bộ Công ty Á Đông và chi bộ Đảng - đoàn thể Phường 14.  Trong đó: Chi bộ Khu phố 7 có Đảng viên nhiều nhất là 103 Đảng viên. Chi bộ trường Mầm non Phường 14 có ít Đảng viên nhất là 06 Đảng viên.

Có 330 đảng viên Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng; 81 đảng viên Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; 73 đảng viên Huy hiệu 45 tuổi Đảng; 78 đảng viên Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, 26 đảng viên Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, 13 đảng viên Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, 04 đảng viên Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, 11 đảng viên Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ngoài ra có hơn 1.500 Đảng viên đương chức công tác các nơi về sinh hoạt tại Phường theo quy định 76 TW-QĐ/TW về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi uỷ, đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Từ bộ máy chính quyền cách mạng lâm thời ngày đầu còn non trẻ, đến nay ta đã có chính quyền nhân dân đượ̣c trui rèn trong thực tiễn cách mạng ở địa phương, năng lực được nâng lên, trách nhiệm được xác định cụ thể là: phục vụ nhân dân, sát với dân, lắng nghe ý kiến nhân dân… để làm cho cuộc sống của người dân ngày càng phát triển đi lên, là chổ dựa của người dân để xây dựng xã hội pháp quyền, vì dân phục vụ.

Đảng ủy luôn coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ Đảng viên về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức, quan điểm, lập trường, từng cán bộ Đảng viên nêu cao tính tiên phong gương mẫu trong công tác, đời sống, lối sống, cảnh giác Cách mạng trước diễn biến chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bên cạnh đó, còn có Mặt trận, Đoàn thể và các tổ chức xã hội như:

  • Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường có 37 thành viên, 12 Ban Công tác mặt trận khu phố.
  • Hội Cựu Chiến Binh Phường có 12 Chi hội, 535 hội viên.
  • Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Phường có 11 ủy viên, 12 Chi đoàn, và 131 đoàn viên.
  • Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Phường với 27 Chi hội, 166 hội viên.
  • Hội Chữ Thập Đỏ: có 12 Chi hội, 817 hội viên.
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường có 12 Chi hội, 4.443 hội viên.
  • Hội Người Cao Tuổi có 1.018 hội viên.
  • Chi Hội Luật gia Phường có 7 hội viên.
  • Chi Hội Cựu Thanh niên xung phong Phường có 32 hội viên.
  • Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến có: 187 Hội viên.
  • Thanh tra nhân dân Phường có 11 thành viên.
  • Đối tượng hưởng lương hưu:1800 người.
  • Đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội 273 người.
  • Học bổng Nguyễn Đức Cảnh cấp cho 37 em.

Những năm qua, Mặt trận và các tổ chức quần chúng luôn đổi mới phương thức hoạt động, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Về chính quyền

Ủy ban nhân dân Phường 14 có 09 Cán bộ, và 32 công nhân viên.

Phường có 12 Khu phố, 105 Tổ Dân phố.

Lãnh đạo Phường thường xuyên củng cố nhân sự, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, năng lực điều hành, quản lý hành chánh, cải tiến lề lối làm việc cho CBCNVC, công khai các quy định, đảm bảo lịch tiếp dân, xây dựng cho cán bộ công chức Phường có tác phong, trách nhiệm với dân, gần dân, vì dân phục vụ.

6. Dân cư

Thời khai hoang, dân cư ở khu vực Phường 14 còn thưa thớt, dần dần nhiều người lao động về sinh sống. Trước 1975, khu đất Phường 14 có đa số là sỹ quan, binh lính chế độ Sài Gòn đóng quân trong các trại lính và gia đình ở trong các trại gia binh, số ít là dân lao động. Sau ngày 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dân cư Phường đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều người về quê, đi nước ngoài, làm ăn xa,…và cũng có hàng nghìn người dân các nơi đã về đây làm ăn sinh sống, cuộc sống mới ngày càng sung túc, nhiều nhà cao tầng, chung cư, cư xá mọc lên, nhiều doanh nhân về đây mở các loại hình kinh doanh phục vụ thiết thực cho đời sống người dân.

Hiện nay Phường có 9.663 hộ dân, trong đó thường trú là 6.126 hộ, tạm trú là 3.880 hộ với 41.555 nhân khẩu, trong đó thường trú 22.045 người, tạm trú 18.489 người.

7. Thành phần dân tộc, tôn giáo

Dân tộc

Theo cuộc tổng điều tra dân số ngày 01tháng 10 năm1979 và ngày 01 tháng 4 năm 1999 thì các thành phần dân tộc trong phường như sau: Kinh: 21801, Tày: 34, Hoa: 688, Khmer: 10, Mường: 4, Nùng: 14, Dân tộc khác: 4.

Hiện nay, Phường có đa số là người dân tộc Kinh sinh sống, một số ít là dân tộc Hoa.

Ngôn ngữ giao tiếp chính là tiếng Việt. Riêng người Hoa thì dùng tiếng Quan thoại và tiếng Tiều.

Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần dân tộc trên địa bàn Phường sinh sống làm ăn chính đáng, đoàn kết nhau xây dựng một xã hội mới tốt đẹp.

Tôn giáo:

Đa số người dân ở Phường không theo đạo hoặc chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên. Trước đây, thành phần tôn giáo theo cuộc tổng điều tra dân số ngày 01/10/1979 và ngày 01/4/1999 của Phường như sau:

  • Không theo đạo: 13.470 người.
  • Có theo đạo: 9.099 người, trong đó: Phật giáo: 5.480, Thiên chúa: 3.327, Tin lành: 175, Hồi giáo: 1, Cao đài: 90, Hòa Hảo: 26.
  • Hiện nay, Phường có 793 hộ theo đạo, với 11.534 người tham gia tín ngưỡng 4 tôn giáo: Thiên chúa, Tin lành, Phật giáo, Cao đài.

Phường có hai cơ sở tôn giáo:

  • Nhà thờ họ Thánh Giuse: được hình thành vào năm 1959, tọa lạc tại số 666/14/11 đường 3/2, P.14, Q.10, Quận 10 thành phố Hồ Chí Minh.
  • Hội Thánh Tin Lành - chi hội Tô Hiến Thành:  trực thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam, tọa lạc tại số 453 đường Tô Hiến Thành. Số tín ngưỡng theo danh sách là khoảng 800 người, sinh hoạt hàng tuần khoảng 400 đến 500 người. Xây dựng từ năm 1967 đến năm 1968, hoạt động đến ngày nay.

Thời chống Pháp, chống Mỹ nhiều tín đồ các tôn giáo trên địa bàn Phường 14 đã tham gia các cuộc đấu tranh của quần chúng ở Quận 10 và thành phố Sài Gòn chống bọn xâm lược.

Các cơ sở tôn giáo trên địa bàn Phường hoạt động theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo", chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng các phong trào xây dựng khu dân cư theo các tiêu chí khu phố văn hóa, tham gia giữ gìn an ninh trật tự và hưởng ứng chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, chăm lo cho người nghèo, góp Quỹ học bổng, gắn bó chặt chẽ với chính quyền địa phương và chính quyền cũng tạo điều kiện tốt cho các hoạt động hợp pháp của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn Phường. Đa số tín đồ các tôn giáo đều là dân lao động có lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược và bọn tay sai, mong muốn chung sống trong tình thương yêu, hòa hợp dân tộc.


[1] Đường THÀNH THÁI: Trước đây là đường Nguyễn Tri Phương nối dài. Ngày 13/07/1999 UBND Thành phố đặt tên đường THÀNH THÁI - một vị vua yêu nước, công khai chống Pháp.

[2] Đường BA THÁNG HAI : Trước năm 1975 là đường Trần Quốc Toản. Ngày 14/08/1975 được đổi tên thành đường BA THÁNG HAI - kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

[3] Đường LÝ THƯỜNG KIỆT : Ngày 22/03/1955 được đặt tên là đường Nguyễn Văn Thoại. Ngày 14/08/1975 được đổi tên thành đường Lý Thường Kiệt – là vị danh tướng, đại thần trải qua 3 triều vua nhà Lý ở thế kỷ XI.

[4] Đường BẮC HẢI : Năm 1946, Pháp xây cư xá sỹ quan, có đường mở rộng lấy tên là đường Quân Sự. Năm 1969, cư xá được đặt tên là Bắc Hải, và đường Quân Sự cũng được đổi tên thành đường Bắc Hải.

[5] Đường TÔ HIẾN THÀNH: Năm 1943 được đặt tên là De la Milice. Từ năm 1955 được đổi tên thành đường Tô Hiến Thành cho đến ngày nay – ông là danh thần đời vua Lý Anh Tông ở thế kỷ XII

Chuyên mục

Tranh cổ động